Tham quan Chùa Kiến Sơ – Ngôi chùa phát tích thuộc dòng thiền lớn nhất Việt Nam

Hiện nay, truyền thuyết về thời gian xây dựng chùa Kiến Sơ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Tương truyền, chùa được một phú hào ở địa phương vì mộ đạo Phật, nên đã bỏ tiền ra xây dựng. Sau đó, vị phú hào này mời vị sư tên là Lập Đức đến trụ trì. Không lâu sau, vào năm Canh Tý (820), thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam và tu tại chùa cho đến khi ngài viên tịch.

 

Tọa lạc bên tả ngạn sông Đuống (tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), chùa Kiến Sơ từ lâu được phật tử biết đến là một ngôi chùa cổ, linh thiêng. Chùa nằm sát cạnh đền Gióng, nơi diễn ra lễ hội Gióng nổi tiếng.

tamquanchuakienso

Nơi phát tích của thiền phái Vô Ngôn Thông

Hiện nay, truyền thuyết về thời gian xây dựng chùa Kiến Sơ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Tương truyền, chùa được một phú hào ở địa phương vì mộ đạo Phật, nên đã bỏ tiền ra xây dựng. Sau đó, vị phú hào này mời vị sư tên là Lập Đức đến trụ trì. Không lâu sau, vào năm Canh Tý (820), thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam và tu tại chùa cho đến khi ngài viên tịch.

Theo các tài liệu để lại, thiền sư Võ Ngôn Thông họ Trịnh, người Quảng Châu, xuất gia tu Phật từ nhỏ. Tính tình sư trầm lặng, ít nói nhưng lại rất thông minh, nhận thức nhanh, nên người đời đặt cho hiệu là Vô Ngôn Thông. Đến nay, vẫn tồn tại rất nhiều huyền tích xung quanh vị sư này khi ngài sang và ở Việt Nam. Chuyện kể rằng, khi đến tu tại chùa, suốt mấy năm liền, mỗi ngày ngoài hai bữa cháo ra, vị sư này đều dành hết thời gian cho việc tu đạo.

Hàng ngày, sư quay mặt vào vách thiền định mà không nói năng gì. Mọi người không biết nên không chú ý đến sư. Duy chỉ có Lập Đức là biết sư không phải người thường, nên ngày ngày giữ lễ và hết lòng chăm sóc. Cảm tấm lòng người phật tử xứ Nam, sư truyền cho tâm pháp và phương pháp tu tập. Sư đổi pháp hiệu cho Lập Đức là Cảm Thành. Từ đó, một dòng thiền rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ra đời. Sư viên tịch năm 826, khi tu ở chùa Kiến Sơ được 6 năm.

Chúng đệ tử sau đó hỏa thiêu và thu hài cốt của sư vào tháp để thờ ở núi Tiên Du (nay, núi này thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Từ khi được truyền vào Việt Nam, dòng thiền này phát triển rất mạnh mẽ, được các tầng lớp từ vua chúa đến dân nghèo tin theo. Dòng thiền này có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tư tưởng trong suốt 4 triều đại là Đinh, Lê, Lý, Trần và góp phần tạo nên diện mạo văn hóa Việt.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Chính điện chùa Kiến Sơ. 

Trong quá trình phát triển hơn 4 thế kỉ, thiền phái Vô Ngôn Thông truyền được 17 thế hệ với những đại sư mà tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử như: Đa Bảo, Viên Chiếu, Lý Thái Tông, Mãn Giác, Không Lộ… Đây đều là những vị cao tăng đắc đạo, nổi tiếng trong lịch sử không chỉ ở lĩnh vực Phật pháp, mà còn ở lĩnh vực chính trị. Hơn nữa, thiền phái này cùng với phái Thảo Đường và phái Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi trở thành ba dòng thiền lớn nhất Việt Nam trong suốt 6 thế kỉ (từ thế kỉ VII – XIV). Chính thiền phái này là cơ sở, nền tảng hình thành nên thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng sau này.

Trải qua hơn một ngàn năm lịch sử, hậu thế không còn nhớ được tên ban đầu của chùa nữa. Sử sách cũng không ghi chép cụ thể nên không ai biết tên Kiến Sơ có từ bao giờ. Người ta giải thích tên chữ Kiến Sơ là nơi gặp gỡ ban đầu. Ý nghĩa là, ngôi chùa này là nơi gặp gỡ ban đầu giữa sư Vô Ngôn Thông và sư Lập Đức; cũng hàm nghĩa dòng thiền Vô Ngôn Thông ban đầu nảy nở và phát triển trên đất Việt chính từ nơi đây.

chuakien-1

Nơi tu Phật của vị vua đầu triều Lý

Qua các thư tịch cổ để lại thì, thuở nhỏ Lý Công Uẩn tu tại chùa Cổ Pháp (nay ngụ tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), sau theo học Phật với thiền sư Vạn Hạnh và được thiền sư này dạy dỗ, kèm cặp từ nhỏ. Với bản tính thông minh ham học, vị vua tương lai này thường xuyên vào chùa Kiến Sơ học thiền và tu tập thiền định. Trụ trì chùa khi đó là sư Đa Bảo đã nhận ra cốt tướng khác thường của ông và phán rằng, trong tương lai ông nhất định sẽ làm vua một cõi.

Hiện nay, chùa Kiến Sơ còn lưu giữ nhiều huyền tích về vị vua nổi tiếng này. Người dân vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện vị vua bị truy đuổi và được nhà chùa giúp đỡ. Ni sư trụ trì chùa hiện nay là Thích Đàm Chuyên cho biết: “Vào thời tiền Lê, trong dân gian có truyền nhau câu sấm nói rằng, một người họ Lý, dưới chân có chữ Vương, sau này nhất định sẽ thay thế nhà Lê. Bởi vậy, vua Lê thời đó đã cho người truy lùng rất gắt gao và tìm mọi cách giết cho được Lý Công Uẩn. Để trốn cuộc truy sát, Lý Công Uẩn đã phải ẩn mình ở chùa Kiến Sơ”.

Untitled-28

Khánh đá

Trụ trì chùa lúc đó là sư Đa Bảo đã đào một cái hầm lớn dưới đất. Sau đó, sư cho xây một bể nước lên trên để đánh lừa quan quân truy đuổi. Lý Công Uẩn trốn dưới đó rất ít khi được lên mặt đất. Khi quan quân lùng sục đến, các nhà sư lấy lí do dòng thiền này phải câm lặng (vô ngôn) nên dù quân lính hỏi cái gì, sư đều không nói. Bởi thế, Lý Công Uẩn mới thoát nạn. Một đêm, khi Lý Công Uẩn đang ngủ trong hầm thì mơ thấy một vị thần xuất hiện, tự xưng là Thánh Gióng, là thành hoàng của làng và truyền cho một câu sấm. Lý Công Uẩn biết sau này sẽ thành đại sự nên cố gắng đợi thời. Sau khi thành đại nghiệp, Lý Công Uẩn không quên ngôi chùa từng che chở cũng như vị thánh báo mộng cho mình năm nào, nên đã cấp tiền bạc, trùng tu, mở rộng chùa khang trang, bề thế. Đồng thời, vị vua này cũng nâng cấp cả miếu thờ Thánh Gióng và hàng năm hạ chỉ cho các quan về đây bái lễ.

Theo đó, tên chữ chùa Kiến Sơ còn được giải thích như mối lương duyên ban đầu của vị vua sáng lập triều Lý với ngôi chùa gắn nhiều kỉ niệm thời gian khó. Đó cũng là mối duyên giữa sư Đa Bảo và Lý Công Uẩn sau này. Khi chuyển đô về Thăng Long, sư Đa Bảo thường xuyên được mời vào kinh bàn chuyện quốc sự. Có thể nói rằng, sư Vạn Hạnh và sư Đa Bảo là hai vị sư có ảnh hưởng nhất đến tư tưởng của vị vua đầu tiên của triều Lý.

kienthuc-thien283-chua2

Tượng thiền sư Vô Ngôn Thông thờ trong chùa. 

Số phận thăng trầm của ngôi chùa cổ

Trải qua thời gian lịch sử với những biến cố thăng trầm của thời đại, ngôi chùa cũng có số phận đầy biến động và đổi thay rất nhiều. Hiện nay, chùa có cổ truyền thống ở các chùa Bắc Bộ và khuôn viên khá bề thế, có cổng tam quan 5 gian chồng mái. Trước cửa chùa là một hồ sen rộng lớn, bao quanh lối dẫn vào chùa chính. Bên trái chùa là một cái khánh đá có niên đại hơn 400 năm. Đây cũng là cổ vật duy nhất còn lại với thời gian mà không bị hư hại hoặc bị đánh cắp. Hiện tại, chùa Kiến Sơ không chỉ thờ Phật mà thờ cả Tam giáo. Qua lời giới thiệu của ni sư trụ trì chùa, chúng tôi được biết, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ cả Khổng Tử (đại diện cho Nho Giáo), Lão Tử (đại diện cho Lão giáo), và thờ Mẫu. Tuy nhiên thờ Phật vẫn là chủ yếu.

71108804

Lầu chuông chùa Kiến Sơ

Đến vãn cảnh chùa, phật tử không còn nhận ra những dấu vết của một thiền phái năm xưa vốn hùng mạnh, với biết bao đệ tử theo học. Có chăng, bức tượng Vô Ngôn Thông và hai bức tượng, một là vua Lý Công Uẩn, hai là mẹ Lý Công Uẩn như thể dấu vết còn sót lại của một thời kì huy hoàng. Trông cảnh này, phật tử nào cũng phải bùi ngùi.

Theo ni sư Thích Đàm Chuyên, chùa đã trải qua biết bao lần tôn tạo, trùng tu. Trong hơn 40 năm trụ trì ở chùa, sư Thích Đàm Chuyên cũng đã chứng kiến lần sửa chữa chùa. Năm 1971 của thế kỷ trước, trận lụt lịch sử ở miền Bắc làm nhiều hạng mục của chùa hư hỏng. Rất nhiều bức tượng quý cũng như một số công trình quan trọng khác bị hỏng mà đến bây giờ cũng chưa khôi phục lại được như trước. Chưa kể những lần mất cắp, chùa cũng bị thất lạc, hỏng rất nhiều bức tượng quý.

Điều đáng lo

Điều đáng ngại nhất là ngôi chùa đang bị lãng quên một cách đáng tiếc trong tâm trí phật tử. Theo chia sẻ của ni sư trụ trì, số lượng khách viếng thăm chùa đã ít, số người hiểu về gốc tích của ngôi chùa càng ít hơn. Mặc dù, chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1975 nhưng còn quá ít người biết về ngôi chùa này.

“Có những vị khách đến làm lễ nhưng chính họ cũng không biết tên ngôi chùa. Nếu nhắc đến tên chùa, họ đều ngạc nhiên tưởng rằng, ngôi chùa là một phần của di tích đền Gióng” – ni sư trụ trì chia sẻ. Ni sư cũng cho biết, hàng năm vào dịp lễ hội Gióng, người đến làm lễ ở đền Gióng rất đông. Vì tiện đường nên họ tạt sang làm lễ ở chùa. Chùa chủ yếu là nơi hành lễ của dân địa phương.

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline 24H Mua Hang Online